Friday, August 24, 2007

Tinh Xa Ngoc Lien BL

.
Tịnh xá Ngọc Liên (Thị xã Bạc Liêu)
Thích Minh Thành Ph.D.
.


1. Nhân duyên kiến tạo
Trên con đường du phương hoằng hóa, năm 1952, Tổ sư Minh Đăng Quang đến tỉnh Bạc Liêu và dừng chân thuyết pháp trong những vườn cây ở những địa phương thuộc thị xã. Lúc bấy giờ Ông bà Dinh Song (tức ông Dương Lâm Thanh và bà Trần Thị Cối) vô cùng mến mộ Phật Pháp và phát tâm cúng dường khu đất 2 mẩu vốn là một vườn dừa cho đoàn du tăng Khất sĩ có nơi tu học và hoằng pháp. Thế là ngôi Tịnh xá Ngọc Liên được Tổ Sư trực tiếp chứng minh xây dựng năm 1952, rộng 10 m, hình bát giác bằng cây lá đơn sơ theo đúng ý tưởng của tổ sư: “...ở vườn rừng ...tịnh xá chỉ bằng tre lá, Phật xưa còn tịch nơi rừng, mà không ở núi non và thành thị”
[1] Hiện nay Tịnh xá Ngọc Liên tọa lạc tại: 43/168 Cao Văn Lầu, khóm 4, phường 2, thị xã Bạc Liêu.
.
2. Hai lần trùng tu
Sau hơn 20 năm ngôi tịnh xá theo thời gian đã dần dần hư mục nên Trưởng Lão Giác Như, Trị sự Giáo đoàn chứng minh và Thượng Tọa Giác Giới trực tiếp chủ trì công việc trùng tu lần thứ nhất vào năm 1973 và hoàn thành vào Rằm tháng 7 năm 1974. Rồi gần 30 năm nữa đã trôi qua, công trình trùng tu lần thứ hai được nhị vị Hòa thượng Giác Trang và Giác Nhường đồng chứng minh, Thượng tọa Giác Định trực tiếp thực hiện và đã hoàn thành vào mùng 8 tháng chạp năm Nhâm Ngọ 2003.
.
3. Những ý tưởng được thể hiện
Sau hai lần trùng tu, ngày nay ngôi chánh điện có phần nền móng bằng bê-tông cốt thép, phần trên bằng gổ quý và lợp ngói rất khang trang để làm nơi thờ phụng cúng kiến và truyền đạt những giáo lý hiền thiện, thanh cao cho cư gia bá tánh. Đặc biệt những am cốc của chư tăng vẫn giữ theo nếp cũ bằng cây lá, mộc mạc, đơn sơ dưới những bóng râm của những tàng dừa tươi mát. Ngoài cảnh trí u nhàn yên tĩnh, Tịnh xá Ngọc Liên còn có một vị trí phù hợp với những lời Phật dạy: “Một nơi hẻo lánh, không xa mà cũng không gần thành thị để những ai muốn, có thể đến dễ dàng, một nơi mát mẽ, ban ngày không đông đảo ồn ào, ban đêm yên tịnh...”
[2]. Tổ sư quan niệm rằng chốn vườn rừng là nơi trung đạo, rất thuận duyên thuận cảnh cho người có ý chí xuất gia tu tập tìm cầu chân lý nhất thể cao siêu mà vẫn không rời vạn duyên trần thế: “Kẻ ở trên non thì dư tinh thần mà thiếu vật chất còn người ở tại thành thị thì dư vật chất lại thiếu tinh thần... chỉ có kẻ sớm bước lên vườn rừng hoặc mau bước xuống vườn rừng... thong thả mà sống cả thân tâm, tinh thần vật chất không dư không thiếu... kêu là trung đạo Chánh đẳng của bậc giác ngộ, lẽ chánh giữa dung hòa, yên vui vắng lặng”[3]. Tịnh xá Ngọc Liên còn được một thắng duyên trong Phật Pháp là ngài Trưởng Lão Nhị Tổ Giác Chánh đã dừng chân tịnh dưỡng tham thiền tại đây hơn mười năm qua (1991 - 2002).
. .
4. Một dấu tích văn hoá
Tịnh xá Ngọc Liên là di tích của Tổ sư Minh Đăng Quang, một thể hiện của những ý tưởng nêu trên và có thể xem là tiêu biểu về mặt kiến trúc của hệ phái Khất sĩ, thành viên thống nhất trong lòng GHPGVN ngày nay. Đó là sự phối hợp giữa việc bất biến gìn giữ tinh thần thanh bần đơn giản cây ván đơn sơ của truyền thống với việc tùy duyên vận dụng phương tiện kiến trúc mới, thể hiện tính chất hài hòa với những phát triển của dòng lịch sử hiện đại.
.
[1] Xem Chơn Lý số 21: Chánh Pháp.
[2] Lời đức Phật dạy khi vua Bình Sa Vương có ý muốn chọn một khu đất để cúng dường cho Đức Phật và Tăng đoàn để có nơi lưu trú và hoằng hoá (Đức Phật và Phật Pháp, 1998, tr: 177).
[3] Xem Chơn lý số 9: Chánh Đẳng Chánh Giác.
.

No comments: