Friday, June 15, 2007

To su Minh Dang Quang va thoi dai...

TỔ SƯ MINH ĐĂNG QUANG VÀ THỜI ĐẠI CHẤN HƯNG PHẬT GIÁO
Hành Vân


Trong thời kỳ chấn hưng Phật giáo Việt Nam vào nữa đầu thế kỷ XX, Tổ Sư Minh Đăng Quang đã có cách đóng góp riêng qua việc thành lập một dòng đạo mới, kế thừa cả hai truyền thống lớn là Nam Tông và Bắc Tông. Thật ra, tổ sư với trực cảm nhạy bén đã chắt lọc tinh hoa của những truyền thống Phật giáo khác nhau, làm thành chất liệu xây dựng Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam với những phương châm như: “Nối Truyền Thích Ca Chánh Pháp – Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam”, “Việt Nam đạo Phật không có phân thừa”, “Cái sống là phải sống chung – Cái biết là phải học chung – Cái linh là phải tu chung”...
.
Tổ sư đã có những thành tựu nổi bật như sau:
.
1. Thành lập Tăng đoàn: Tổ Sư đã thành lập được một Tăng đoàn Khất Sĩ và một Tăng đoàn nữ Khất Sĩ, sinh hoạt theo truyền thống của Phật tăng xưa (không giữ tiền, ăn ngọ, du phương hành đạo, trì bình khất thực). Sau khi Tổ Sư vắng bóng, hai Tăng đoàn này đã phát triển thành năm Tăng đoàn Khất Sĩ và ba Tăng đoàn nữ Khất Sĩ. Lễ Tự Tứ năm 1960 tại Vĩnh Bình, giáo hội có hơn 500 Tăng Ni (1).
.
2. Đào tạo Tăng tài: Tổ Sư đã đào tạo được một đội ngũ Tăng Ni Khất Sĩ, có đủ khả năng gánh vác trách nhiệm duy trì và truyền bá Phật Pháp. Khi Tổ Sư vắng bóng, giáo hội đã có hơn 200 Tăng Ni (2).
.
3. Thiết lập hệ thống giới luật: Tổ Sư đã thiết lập một hệ thống giới luật Khất Sĩ hoàn chỉnh nhờ vậy mà việc tu tập cũng như các mặt sinh hoạt khác sớm đi vào nề nếp ổn định. Các bộ luật Khất Sĩ, giới bổn Tỳ Kheo, giới bổn Tỳ kheo Ni, giới Phật tử (thường gọi giới Bồ Tát), Bài học Sa Di (Môn Oai Nghi và Những Câu Chú Nguyện), Pháp Học Sa Di I (Kệ Giới, Mười Giới Tập Sự Sa Di, Tứ Y Pháp Trung Đạo...), Bài Học Khất Sĩ (Nghi Thức Thọ Trai...) và nghi thức tụng kinh đều được Tổ Sư biên soạn. Đặc điểm của hệ thống giới luật Khất Sĩ là ngắn gọn, dễ hiểu. Xin đơn cử một ví dụ: có cùng nguồn gốc từ Tứ Phần Luật Tỳ kheo, nhưng Giới Bổn Tăng Khất Sĩ chỉ có 21 trang, trong khi giới bổn Tỳ kheo do những vị khác biên soạn dài hơn 50 trang (3).
.
4. Xây dựng cơ sở hạ tầng: Khi còn sinh tiền, Tổ sư đã chứng minh cho đồng bào Phật tử xây dựng hơn 20 tịnh xá để làm cơ sở sinh hoạt, tu tập cho tứ chúng (4). Về sau, mô hình tịnh xá bát giác trở thành một nét kiến trúc đặc trưng của đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam.
5. Biên soạn và sáng tác: bộ Chơn lý do Tổ sư biên soạn chứa đựng hầu hết những lập thuyết nền tảng của giáo lý Khất Sĩ. Bộ chơn lý có tất cả 69 bài, theo ý người viết, có thể phân thành hai phần là giáo lý căn bản (Giới-Định-Tuệ) và tư tưởng Minh Đăng Quang. Đầu thập niên 1970, chư tôn trưởng lão đại đệ tử Tổ Sư đã chia bộ chơn lý thành hai quyển:
- Chơn lý gồm 60 bài
- Luật Nghi Khất Sĩ gồm 9 bài, (thêm 114 Điều Luật Nghi Khất Sĩ).
Ngoài ra, Tổ sư còn biên soạn quyển Bồ Tát Giáo (hiện nay không lưu hành).
.
Trong thời gian tích cực hoằng pháp từ năm 1947 tới năm 1954, Tổ sư đã kiến lập hoàn chỉnh nền móng của đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam, từ tư tưởng chủ đạo, đến hệ thống luật đạo, các pháp tu, kiến trúc đặc trưng, tổ chức Tăng đoàn, làm cho đạo Phật Khất Sĩ trở thành một dòng đạo độc lập với phong cách tu tập và hoằng hóa rất đặc thù.
.
Những người con Khất sĩ ngày nay đã và đang hết sức cố gắng để bảo vệ và phát huy tinh hoa của dòng đạo mà Tổ sư đã khai sáng, dù là Hệ phái Khất sĩ trong lòng Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam hay Giáo Hội Tăng Già Khất Sĩ Thế Giới do Hòa Thượng Pháp Chủ Thích Giác Nhiên thành lập ở Hoa Kỳ.
.
1. Hàn Ôn, Minh Đăng Quang Pháp Giáo, Thành phố Hoà Chí Minh, Chúng Minh Đăng Quang tái bản lần hai, 2001, tr.36;
2. Sdd, tr.49;
3. Vấn đề này người viết sẽ giải thích kỹ trong một bài khác;
4. Sdd, tr.49.

No comments: